Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Lãi suất ngân hàng lên đến 30%-‘Đắng’ như lãi suất vay tiêu dùng

‘Đắng’ như lãi suất vay tiêu dùng

Cơ chế thỏa thuận về lãi suất tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng bung ra dịch vụ cho vay tiêu dùng. Được mời chào thủ tục đơn giản, điều kiện dễ dàng, khoản vay rộng rãi…, nhiều khách hàng tìm đến mới té ngửa khi biết mức lãi suất cao ngất ngưởng.

Tại các ngân hàng, lãi suất vay tiêu dùng phổ biến 18 - 20% nhưng không phải khách hàng nào cũng đủ điều kiện tiếp cận vốn. Một số công ty tài chính có “cửa vay” thông thoáng thì lãi suất lên tới… trên 30%.

Lãi suất 34% một năm

Nhắm được một khoảnh đất nhỏ nhưng không đủ vốn đầu tư, anh Lê Bá Thọ, một nhân viên Công ty sản xuất mì ăn liền Vina ACE COOK đã tìm đến ngân hàng Á Châu (ACB) để vay tiền. Nhân viên ngân hàng hướng dẫn, với mức thu nhập 10 triệu đồng một tháng, anh Thọ có thể được duyệt vay tương đương 100 triệu đồng, lãi suất 18% một năm, không giảm dần theo kỳ hạn, trả góp trong vòng 36 tháng.

Mặc dù cho rằng lãi suất quá cao, song anh Thọ cũng lo ngại, nếu không tận dụng cơ hội, mảnh đất vừa ý, vừa tiền sẽ không còn, hoặc giá đất lại bất ngờ tăng cao. “Đành chấp nhận còng lưng trả nợ, nếu không cả đời cũng chẳng có được “tấc đất cắm dùi”, anh Thọ suy tư.
                                 Lãi suất vay tiêu dùng có thể lên tới 34% một năm. Ảnh: Lê Hưng.


Nhưng anh Thọ còn được xếp vào hàng may mắn khi được ngân hàng xem xét đến. Nhiều người tiêu dùng khác không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng đã phải tìm đến công ty tài chính với lãi suất vay “chót vót”. Chị V., đang làm việc cho một viện nghiên cứu khoa học tại quận 3, TP HCM, cho biết, đang cần vay khoản tiền 30 triệu đồng để sửa nhà. Tuy nhiên, với mức lương ở một đơn vị hành chính sự nghiệp không có thu, sau khi trừ các khoản, số tiền còn lại trong thẻ chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.

Trong khi gõ cửa các ngân hàng, chị V. đều được yêu cầu phải chứng minh thu nhập 3 - 4 triệu đồng một tháng trở lên. Được giới thiệu tới Công ty tài chính SG – Financial, chị V. tưởng đã vay được tiền với lãi suất 1,92% một tháng (23% một năm), nhưng một lần nữa bị từ chối do chưa từng mua trả góp tại đây hay có bất cứ giao dịch nào với công ty này. Lận đận thêm một hồi, chị V. cuối cùng đã được Prudential Finance cho vay vốn với lãi suất lên đến 34% một năm.

Cực chẳng đã mới phải vay qua công ty tài chính. Nhưng lãi suất đến 34% thật sự là một áp lực với người có thu nhập thấp”, chị V. lo lắng. Chưa kịp mừng vì kiếm được tiền sửa chữa ngôi nhà trước mùa mưa, chị V. giờ lại lo ngay ngáy xoay tiền trả nợ.

Có công ty tài chính áp dụng lãi suất cho vay tính theo ngày là 0,06% một ngày. Mới nghe, nhiều khách hàng tưởng được hưởng mức lãi suất thấp nên hào hứng vay tiền. Nhưng rồi tính ra, lãi suất cũng tới 1,8% một tháng, tương ứng  21,6% mỗi năm.

“Đừng vay”

Một số ngân hàng quảng bá cung cấp dịch vụ cho vay với lãi suất giảm dần theo kỳ hạn với nhấn mạnh là giúp chi phí vốn rất hợp lý. Tuy nhiên, trưởng chi nhánh giao dịch của một ngân hàng TMCP tại Hà Nội, cho biết, việc áp dụng lãi suất giảm dần hay giữ nguyên theo nợ gốc đều như nhau.

Chẳng hạn, giữa một ngân hàng cho vay với lãi suất 1%, tính theo dư nợ gốc và một ngân hàng cho vay lãi suất 1,5%, dư nợ giảm dần, thì số tiền khách phải trả cũng tương đương. Chỉ có điều, với cách tính lãi suất giảm dần, khách hàng dễ nhìn thấy số tiền mình phải trả qua từng kỳ hạn rõ ràng hơn.

Tìm đến Prudential Finance trong vai người có nhu cầu vay vốn, phóng viên Đất Việt được nhân viên tín dụng giới thiệu, nếu khách hàng chọn cách trả lãi suất theo dư nợ ban đầu, lãi suất sẽ là 24%, nếu trả theo dư nợ giảm dần, lãi suất sẽ là 34%.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP lý giải, sở dĩ lãi suất cho vay tiêu dùng cao là bởi có rủi ro cao. Hơn nữa, chi phí ngân hàng phải bỏ ra trong quá trình cung cấp dịch vụ này cũng cao hơn nhiều so với cho vay doanh nghiệp. “Nhân viên tín dụng vẫn phải thẩm định từng hồ sơ vay vốn. Trong khi, một dự án vay của doanh nghiệp, giá trị có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng vay tiêu dùng chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng”, ông này nói.

Chuyên gia tài chính Lê Đăng Doanh khuyến nghị, nếu nhu cầu không quá bức thiết, người tiêu dùng đừng nên vay tiền vào lúc này, để khỏi phải thỏa hiệp với hành động bắt chẹt của các tổ chức tài chính.




Blog Widget by LinkWithin

0 nhận xét:

:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))

Đăng nhận xét

Chào bạn,cảm ơn bạn đã đọc bài viết của tôi,hãy để lại COMMENT nếu bạn thấy bài viết trên hữu ích
PS: Nếu bạn có nhu cầu cần vay vốn hãy để lại tên và số diện thoại hoặc có thể liên hệ trực tiếp với mình thông qua CHATBOX ở phía bên tay phải của trang WEB